Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong thời đại dịch Covid -19

1. UBND Thành phố Hồ Chí Minh đang hoàn thiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh

UBND TP. Hồ Chí Minh đang hoàn thiện dự thảo Kế hoạch triển khai Bộ Tiêu chí ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh theo gói hỗ trợ của Chính phủ và Thành phố (“Bộ Tiêu chí”) nhằm kịp thời triển khai hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng khắc phục hậu quả, sớm ổn định, phục hồi sản xuất kinh doanh cũng như thực hiện mục tiêu vừa phòng, chống dịch Covid-19, góp phần cùng TP. Hồ Chí Minh thực hiệu “mục tiêu kép” vừa phục hồi và phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.

Doanh nghiệp được hỗ trợ sẽ là doanh nghiệp Việt Nam được thành lập hoặc đăng ký thành lập theo pháp luật Việt Nam và có trụ sở chính tại TP. Hồ Chí Minh, trong đó ưu tiên cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời đáp ứng các tiêu chuẩn trong Bộ Tiêu chí.

Bộ Tiêu chí đánh giá mức độ ưu tiên trên cơ sở 7 tiêu chí với thang điểm 100 và được tính như sau:

(1) Mức độ thiệt hại (thể hiện qua so sánh mức độ doanh thu sụt giảm, số lượng, giá trị hợp đồng bị hủy, lao động mất việc, thiếu vốn cho nhập khẩu nguyên liệu, chi trả chi phí khác…): 20 điểm.

(2) Khả năng phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo việc làm (thể hiện các hợp đồng, kế hoạch, dự án đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, thu hút lao động… có khả năng triển khai sau khi nhận được hỗ trợ): 20 điểm.

(3) Gương mẫu trong chấp hành pháp luật (không vi phạm các quy định pháp luật trong hoạt động sản xuất kinh doanh…): 20 điểm.

(4) Hiệu quả kinh doanh (thể hiện qua đóng góp thuế cho ngân sách thành phố theo quy mô sản xuất của đơn vị): 10 điểm.

(5) Có quá trình ứng dụng công nghệ bảo vệ môi trường trong sản xuất – kinh doanh (thông qua các chứng nhận, phương án, dự án…): 10 điểm.

(6) Đóng góp tích cực cho hoạt động xuất khẩu của thành phố: 10 điểm.

(7) Đảm bảo Chỉ số an toàn trong sản xuất kinh doanh trong công tác phòng, chống dịch COVID-19: 10 điểm.

(8) Bộ Tiêu chí hướng dẫn chi tiết cách tính và thang điểm của các tiêu chí được chấm điểm cũng như đưa ra các ví dụ cụ thể hướng dẫn cách chấm điểm đối với các tiêu chí tương ứng.

Trên cơ sở đánh giá theo Bộ Tiêu chí này, Tp. Hồ Chí Minh sau đó sẽ triển khai hỗ trợ doanh nghiệp theo gói hỗ trợ của Chính phủ ngay khi Thành phố Hồ Chí Minh được giao gói hỗ trợ này.

2. Ngân hàng Nhà nước bổ sung quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn lãi vay cho khách hàng chịu ảnh hưởng dịch Covid-19

Ngày 02/4/2021, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 03/2021/TT-NHNN (Thông tư 03/2021) sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí và giữ nguyên nhóm nợ để tiếp tục hỗ trợ các khách hàng chịu ảnh hưởng bởi Covid-19.

Thông tư 03/2021 có hiệu lực từ ngày 17/5/2021 và có một số quy định mới đáng chú ý sau đây:

  • 8 điều kiện để được cơ cấu lại thời hạn trả nợ

Theo Thông tư 03/2021, TCTD sẽ cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ của khoản nợ khi đáp ứng đầy đủ 8 điều kiện sau:

(1) Nợ phát sinh trước ngày 10/6/2020 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính.

(2) Phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày 31/12/2021.

(3) Số dư nợ của khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ thuộc 1 trong 3 trường hợp sau: (i) số dư nợ còn trong hạn hoặc quá

hạn đến 10 ngày kể từ ngày đến hạn thanh toán, thời hạn trả nợ theo hợp đồng, thỏa thuận; hoặc (ii) số dư nợ của khoản nợ phát sinh trước ngày 23/01/2020 và quá hạn trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày 29/3/2020; và (iii) số dư nợ của khoản nợ phát sinh từ ngày 23/01/2020 và quá hạn trước ngày 17/5/2021.

(4) Được TCTD đánh giá khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch Covid -19.

(5) Khách hàng có đề nghị được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và TCTD đánh giá khách hàng có khả năng trả nợ đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại.

(6) TCTD không thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khoản nợ vi phạm quy định pháp luật.

(7) Thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ (kể cả trường hợp gia hạn nợ) phù hợp với mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với khách hàng và không vượt quá 12 tháng kể từ ngày TCTD thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

(8) Việc thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng thực hiện đến ngày 31/12/2021.

  • Về miễn, giảm lãi, phí

TCTD quyết định việc miễn, giảm lãi, phí theo quy định nội bộ đối với số dư nợ của khoản nợ phát sinh trước ngày 10/6/2020 từ hoạt động cấp tín dụng (trừ hoạt động mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp) mà nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi đến hạn thanh toán trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến ngày 31/12/2021 và khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Việc miễn, giảm lãi, phí cho khách hàng được thực hiện đến ngày 31/12/2021.

  • Giữ nguyên nhóm nợ

Đối với số dư của khoản nợ phát sinh trước 23/01/2020: TCTD giữ nguyên nhóm nợ, theo đó, số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, số dư nợ được miễn, giảm lãi. Số dư nợ này bao gồm cả phần dư nợ đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi và điều chỉnh nhóm nợ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày 29/3/2020.

Đối với số dư của khoản nợ phát sinh từ 23/01/2020 đến trước ngày 10/6/2020: TCTD giữ nguyên nhóm nợ tại thời điểm gần nhất trước ngày thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ/miễn, giảm lãi/khoản nợ bị chuyển quá hạn.

Với những quy định mới được sửa đổi bổ sung như trên, Thông tư 03/2021 phần nào hỗ trợ các doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc phục hồi kinh doanh.

Nguồn: GV Lawyers

Leave a Reply

Your email address will not be published.