Quy định mới về quản lý khu công nghiệp

Ngày 28/5/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 35/2022/NĐ-CP (“Nghị định 35/2022”) quy định về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế. Trong đó, đáng chú ý là các quy định mới về quản lý khu công nghiệp như sau:

  1. Bãi bỏ thủ tục thành lập khu công nghiệp

Theo khoản 6 Điều 6 của Nghị định 35/2022, khu công nghiệp (KCN) được xác định là đã được thành lập kể từ ngày cấp có thẩm quyền:

  • Quyết định chủ trương đầu tư dự án hạ tầng KCN sử dụng vốn đầu tư công theo quy định của pháp luật về đầu tư công.
  • Chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư hoặc cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Như vậy, với quy định nêu trên, Nghị định 35/2022 đã bãi bỏ thủ tục thành lập KCN.

2. Điều kiện đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp

Theo khoản 1 Điều 10 của Nghị định 35/2022, để thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN thì nhà đầu tư phải đáp ứng các điều kiện sau:

  • Điều kiện kinh doanh bất động sản theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản.
  • Điều kiện để được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về lâm nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Trường hợp nhà đầu tư là tổ chức kinh tế do nhà đầu tư nước ngoài dự kiến thành lập theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật về doanh nghiệp thì tổ chức kinh tế dự kiến thành lập phải có khả năng đáp ứng điều kiện để được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về lâm nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan.

3 Điều kiện chuyển đổi khu công nghiệp sang phát triển khu đô thị – dịch vụ

Theo khoản 1 Điều 13 của Nghị định 35/2022, các điều kiện chuyển đổi KCN sang phát triển khu đô thị – dịch vụ bao gồm:

  • Phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
  • KCN nằm trong khu vực nội thành của đô thị loại đặc biệt, đô thị loại I trực thuộc trung ương và các đô thị loại I trực thuộc tỉnh.
  • Thời gian hoạt động kể từ ngày KCN được thành lập đến thời điểm xem xét chuyển đổi tối thiểu là 15 năm hoặc 1/2 thời hạn hoạt động của KCN.
  • Có sự đồng thuận của nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN và trên 2/3 số doanh nghiệp trong KCN tại khu vực dự kiến chuyển đổi, trừ các trường hợp: dự án đầu tư đã hết thời hạn hoạt động theo quy định của pháp luật về đầu tư; dự án đầu tư không đủ điều kiện gia hạn cho thuê lại đất theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về dân sự; dự án đầu tư gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc diện buộc phải di dời theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
  • Có hiệu quả kinh tế – xã hội, môi trường.

Việc chuyển đổi KCN sang phát triển khu đô thị – dịch vụ được thực hiện đối với một phần hoặc toàn bộ diện tích KCN.

4. Người lao động được tạm trú, lưu trú trong khu công nghiệp

Điều 25 Nghị định 35/2022 quy định hoạt động tạm trú, lưu trú của người lao động trong KCN được như sau:

Trường hợp tạm trú, lưu trú trong KCN:

  • Trong KCN không có nơi thường trú theo quy định của pháp luật về cư trú.
  • Chuyên gia, người lao động được phép tạm trú, lưu trú ở cơ sở lưu trú tại KCN để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, cụ thể:
  • Đối với chuyên gia, người lao động là người Việt Nam thì thực hiện tạm trú, lưu trú theo quy định của pháp luật về cư trú.
  • Đối với chuyên gia, người lao động là người nước ngoài thì thực hiện tạm trú theo quy định của pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Cơ sở lưu trú được xây dựng tại phần diện tích đất dịch vụ của KCN; bảo đảm khoảng cách an toàn về môi trường theo quy định của pháp luật về xây dựng và quy định khác của pháp luật có liên quan; bảo đảm an ninh, trật tự và không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong KCN.

Trường hợp lưu trú ở doanh nghiệp tại KCN:

Trường hợp bất khả kháng do ảnh hưởng trực tiếp của thiên tai, thảm họa môi trường, hỏa hoạn, dịch bệnh, chiến tranh, biểu tình, bạo loạn hoặc các trường hợp khẩn cấp khác, chuyên gia, người lao động được phép lưu trú ở doanh nghiệp, ở lại doanh nghiệp tại KCN theo quy định sau đây:

  • Đối với chuyên gia, người lao động là người Việt Nam được phép lưu trú ở doanh nghiệp tại khu công nghiệp theo quy định của pháp luật về cư trú.
  • Đối với chuyên gia, người lao động là người nước ngoài được phép ở lại doanh nghiệp tại KCN trong thời gian ít hơn 30 ngày và phải thực hiện việc khai báo tạm trú theo quy định của pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Nghị định 35/2022 sẽ có hiệu từ ngày 15/7/2022 và thay thế Nghị định 82/2018/NĐ-CP, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 3 và khoản 4 Điều 74 của Nghị định 35/2022.

Nguồn: GV Lawyers

Leave a Reply

Your email address will not be published.