Ngày 07/7/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 45/2022/NĐ-CP (“Nghị định 45/2022”) quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, trong đó, đáng lưu ý là quy định về xử phạt hành chính về vi phạm quy định thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì và xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu.
Theo Điều 32 và Điều 33 của Nghị định 45/2022, nếu vi phạm quy định thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì và xử lý chất thải thì nhà sản xuất, nhà nhập khẩu sẽ bị phạt tiền với mức phạt cao nhất là 1 tỷ đồng đối với cá nhân, còn đối với tổ chức vi phạm thì mức phạt tiền là 2 tỷ đổng. Đây là mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Ngoài ra, nhà xuất khẩu, nhà nhập khẩu còn buộc phải có biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm đó. Cụ thể như sau:
- Mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì
- Hành vi không công khai hoặc công khai không đầy đủ thông tin về sản phẩm, bao bì do mình sản xuất, nhập khẩu theo quy định có mức phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng.
- Hành vi vi phạm quy định đăng ký kế hoạch tái chế, kê khai số tiền đóng góp hỗ trợ (ĐGHT) tái chế, báo cáo kết quả tái chế có mức phạt tiền từ 150 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, cụ thể như:
- Kê khai không đầy đủ, không đúng nội dung, chỉ tiêu, số liệu đăng ký kế hoạch tái chế, kê khai nộp tiền ĐGHT tái chế, báo cáo kết quả tái chế theo quy định nhưng không làm giảm trách nhiệm tái chế hoặc làm tăng kết quả khối lượng tái chế có mức phạt tiền từ 150 triệu đồng đến dưới 250 triệu đồng.
- Đăng ký kế hoạch tái chế, gửi bản kê khai số tiền ĐGHT tái chế, báo cáo kết quả tái chế quá thời hạn quy định dưới 31 ngày thì mức phạt tiền từ 250 triệu đồng đến dưới 350 triệu đồng; Còn nếu quá thời hạn quy định từ 31 ngày đến dưới 91 ngày thì mức phạt tiền tiền từ 350 triệu đồng đến dưới 450 triệu đồng.
- Không đăng ký kế hoạch tái chế hoặc không gửi bản kê khai số tiền ĐGHT tái chế hoặc không báo cáo kết quả tái chế hoặc đăng ký kế hoạch tái chế, gửi bản kê khai số tiền ĐGHT tái chế, báo cáo kết quả tái chế nhưng quá thời hạn quy định từ 91 ngày trở lên, thì mức phạt tiền tiền từ 850 triệu đồng đến 1 tỷ đồng.
- Đăng ký kế hoạch tái chế, kê khai số tiền ĐGHT tái chế, báo cáo kết quả tái chế không đúng làm giảm dưới 30% trách nhiệm tái chế hoặc làm tăng kết quả khối lượng tái chế dưới 30% thì mức phạt tiền từ 450 triệu đồng đến dưới 550 triệu đồng. Nếu làm giảm từ 70% trở lên trách nhiệm tái chế hoặc làm tăng kết quả khối lượng tái chế từ 70% trở lên thì mức phạt đến 1 tỷ đồng.
- Hành vi vi phạm quy định tỷ lệ tái chế bắt buộc, quy cách tái chế bắt buộc và nộp tiền ĐGHT tái chế, bị xử phạt từ 450 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, như: trường hợp kết quả khối lượng tái chế từ 70% đến dưới 100% trách nhiệm tái chế hoặc từ 70% đến dưới 100% kết quả khối lượng tái chế đạt quy cách tái chế bắt buộc có mức phạt tiền từ 450 triều đồng đến dưới 550 triệu đồng, nếu trường hợp kết quả khối lượng tái chế dưới 30% trách nhiệm tái chế hoặc dưới 30% kết quả khối lượng tái chế đạt quy cách tái chế bắt buộc thù mức phạt lên đến 1 tỷ đồng.
- Hành vi nộp tiền ĐGHT tái chế quá thời hạn quy định: chậm nộp dưới 31 ngày hoặc không nộp đủ quá thời hạn quy định dưới 31 ngày thì sẽ bị phạt từ 500 triệu đồng đến dưới 700 triệu đồng. Còn nếu chậm nộp dưới 31 ngày hoặc không nộp đủ quá thời hạn quy định từ 31 ngày đến dưới 91 ngày thì mức phạt đến dưới 900 triệu đồng.
- Hành vi không thực hiện trách nhiệm tái chế hoặc không nộp tiền ĐGHT tái chế hoặc chậm nộp tiền ĐGHT tái chế quá thời hạn 91 ngày trở lên hoặc không nộp đủ số tiền ĐGHT tái chế quá thời hạn 91 ngày trở lên có mức phạt tiền từ 900 triệu đồng đến 1 tỷ đồng.
- Hành vi vi phạm quy định tự thực hiện tái chế, ký hợp đồng thực hiện tái chế, hợp đồng ủy quyền tổ chức thực hiện tái chế có mức phạt tiền từ 850 triệu đồng đến 1 tỷ đồng.
- Hành vi sử dụng một kết quả khối lượng tái chế để xác định tỷ lệ tái chế cho nhiều nhà sản xuất, nhập khẩu; hoặc sử dụng khối lượng tái chế không đạt quy cách tái chế bắt buộc để xác định kết quả khối lượng tái chế cho nhà sản xuất, nhập khẩu cũng sẽ bị phạt tiền từ 900 triệu đồng đến 1 tỷ đồng.
Ngoài việc bị phạt tiền, tùy hành vi vi phạm, nhà sản xuất, nhà nhập khẩu còn buộc phải có các biện pháp khắc phục hậu quả như sau:
- Buộc công khai thông tin về sản phẩm, bao bì do mình sản xuất, nhập khẩu theo quy định.
- Buộc thực hiện đăng ký kế hoạch tái chế, gửi bản kê khai số tiền ĐGHT tái chế, báo cáo kết quả tái chế theo quy định.
- Buộc nộp số tiền ĐGHT tái chế tương ứng tỷ lệ tái chế bắt buộc chưa hoàn thành hoặc không đáp ứng quy cách tái chế bắt buộc vào Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam (theo định mức chi phí tái chế), …
- Buộc chấm dứt hợp đồng thực hiện tái chế, hợp đồng ủy quyền tổ chức tái chế và nộp số tiền hỗ trợ tái chế tương ứng với tỷ lệ tái chế bắt buộc, quy cách tái chế bắt buộc vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam (theo định mức chi phí tái chế).
- Mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định thực hiện trách nhiệm xử lý chất thải
- Hành vi không công khai hoặc công khai không đầy đủ thông tin về sản phẩm, bao bì do mình sản xuất, nhập khẩu theo quy định, mức phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng.
- Hành vi vi phạm quy định kê khai số tiền ĐGHT xử lý chất thải:
- Kê khai không đầy đủ, không đúng nội dung, chỉ tiêu, số liệu bản kê khai số tiền ĐGHT xử lý chất thải nhưng không làm giảm số tiền phải nộp có mức phạt tiền từ 150 triệu đồng đến dưới 250 triệu đồng.
- Gửi bản kê khai quá thời hạn quy định dưới 31 ngày có mức phạt tiền từ 250 triệu đồng đến dưới 350 triệu đồng, còn quá thời hạn quy định từ 31 ngày đến dưới 91 ngày thì mực phạt tiền đến dưới 450 triệu đồng.
- Kê khai thông tin không đúng làm giảm dưới 30% so với số tiền phải nộp có mức phạt từ 450 triệu đồng đến 550 triệu đồng, nếu từ 70% trở lên so với số tiền phải nộp thì mức phạt lên đến 1 tỷ đồng.
- Không gửi bản kê khai hoặc gửi bản kê khai nhưng quá thời hạn quy định từ 91 ngày trở lên có mức phạt từ 850 triệu đồng đến 1 tỷ đồng
- Hành vi nộp tiền ĐGHT xử lý chất thải quá thời hạn quy định: chậm nộp tiền quá thời hạn quy định dưới 31 ngày hoặc không nộp đủ số tiền quá thời hạn quy định dưới 31 ngày có mức phạt từ 500 triệu đồng đến dưới 700 triệu đồng, nếu chậm nộp từ 31 ngày đến dưới 91 ngày hoặc không nộp đủ số tiền quá thời hạn từ 31 ngày đến dưới 91 ngày thì mức phạt tiền đến dưới 900 triệu đồng.
- Hành vi vi không nộp tiền hoặc chậm nộp tiền ĐGHT xử lý chất thải quá thời hạn 91 ngày trở lên hoặc không nộp đủ số tiền ĐGHT xử lý chất thải quá thời hạn 91 ngày trở lên có mức phạt từ 900 triệu đồng đến 1 tỷ đồng.
Ngoài ra, tùy hành vi vi phạm, nhà sản xuất, nhà nhập khẩu còn buộc phải có các biện pháp khắc phục hậu quả như sau:
- Buộc công khai thông tin về sản phẩm, bao bì do mình sản xuất, nhập khẩu.
- Buộc gửi bản kê khai số tiền ĐGHT xử lý chất thải.
- Buộc nộp số tiền đóng góp hỗ trợ xử lý chất thải còn thiếu vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam.
Nghị định 45/2022 sẽ có hiệu lực từ ngày 25/8/2022 và thay thế Nghị định 155/2016/NĐ-CP, Nghị định 55/2021/NĐ-CP.
Nguồn: GV Lawyers