I. HÀNG HÓA ĐÃ QUA SỬ DỤNG KHÔNG ĐƯỢC PHÉP CHUYỂN LOẠI HÌNH TỪ KINH DOANH TẠM NHẬP, TÁI XUẤT SANG NHẬP KHẨU ĐỂ TIÊU THỤ NỘI ĐỊA
Thông tư số 11/2017/TT-BCT quy định về hoạt động tạm nhập, tái xuất; tạm xuất, tái nhập và chuyển khẩu hàng hóa đã được Bộ Công Thương ban hành ngày 28/07/2017.
Theo đó, hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất được tạm nhập, tái xuất qua các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính; Việc tái xuất hàng hóa qua các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới chỉ được thực hiện tại các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới trong khu kinh tế cửa khẩu và cửa khẩu phụ ngoài khu kinh tế cửa khẩu đã có đầy đủ cơ quan kiểm soát chuyên ngành theo quy định và cơ sở kỹ thuật bảo đảm quản lý Nhà nước. Cửa khẩu phụ, lối mở biên giới do UBND tỉnh biên giới công bố sau khi đã trao đổi, thống nhất với các Bộ: Quốc phòng, Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Thông tư cũng quy định, hàng hóa tạm nhập, tái xuất chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan hải quan từ cửa khẩu tạm nhập cho tới khi hàng hóa thực tái xuất ra nước ngoài; Không chia nhỏ hàng hóa vận chuyển bằng công-ten-nơ trong suốt quá trình vận chuyển hàng hóa từ cửa khẩu tạm nhập đến khu vực chịu sự giám sát của cơ quan hải quan, địa điểm tái xuất thuộc cửa khẩu, lối mở biên giới theo quy định. Trường hợp do yêu cầu vận chuyển cần phải thay đổi hoặc chia nhỏ hàng hóa vận chuyển bằng công-ten-nơ để tái xuất thì thực hiện theo quy định của cơ quan hải quan.
Hàng thực phẩm đông lạnh, hàng hóa có thuế tiêu thụ đặc biệt, hàng hóa đã qua sử dụng không được phép chuyển loại hình từ kinh doanh tạm nhập, tái xuất sang nhập khẩu để tiêu thụ nội địa.
Thông tư này có hiệu lực ngày 11/09/2017.
II. BÃI BỎ DANH MỤC SẢN PHẨM, HÀNG HÓA PHẢI KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG
Ngày 17/08/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 37/2017/QĐ-TTg về việc bãi bỏ Quyết định số 50/2006/QĐ-TTg ngày 07/03/2006 về việc ban hành Danh mục sản phẩm hàng hóa phải kiểm tra về chất lượng.
Trước đây, Danh mục sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra về chất lượng được quy định gồm các sản phẩm, hàng hóa thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Y tế; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Thủy sản; Bộ Giao thông Vận tải…; trong đó có: Trang thiết bị và công trình y tế; Vắc xin phòng bệnh; Thuốc bảo vệ thực vật; Phân bón; Thức ăn chăn nuôi; Mũ bảo vệ cho người đi xe máy; Đồ chơi dành cho trẻ em dưới 36 tháng tuổi…
Từ thời điểm ngày 05/10/2017 – ngày Quyết định này có hiệu lực – Danh mục nêu trên sẽ không còn được áp dụng.
III. BỎ CHẾ ĐỘ CẤP PHÉP NHẬP KHẨU TỰ ĐỘNG VỚI MỘT SỐ SẢN PHẨM THÉP
Ngày 28/08/2017, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 14/2017/TT-BCT bãi bỏ Thông tư số 12/2015/TT-BCT ngày 12/06/2015 quy định việc áp dụng chế độ cấp Giấy phép nhập khẩu tự động đối với một số sản phẩm thép.
Như vậy, từ ngày 01/09/2017 – ngày Thông tư này có hiệu lực, chế độ cấp Giấy phép nhập khẩu tự động đối với một số sản phẩm thép sẽ không còn được áp dụng.
Trước đó, tại Thông tư số 12/2015/TT-BCT, Bộ Công Thương quy định áp dụng chế độ cấp Giấy phép nhập khẩu tự động đối với các sản phẩm thép như: Sắt hoặc thép không hợp kim ở dạng bán thành phẩm; Sắt hoặc thép không hợp kim hoặc cán phẳng, có chiều rộng từ 600mm trở lên, đã phủ, mạ hoặc tráng; Sắt hoặc thép không hợp kim ở dạng thanh và que khác; Các sản phẩm của thép không gỉ cán phẳng, có chiều rộng từ 600mm trở lên….
IV. BỘ CÔNG THƯƠNG BÃI BỎ 75 ĐIỀU KIỆN ĐẦU TƯ, KINH DOANH
Phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Công Thương giai đoạn 2017 – 2018 đã được Bộ này ban hành tại Quyết định 3610a/QĐ-BCT ngày 20/09/2017.
Cụ thể, có 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh được loại bỏ thuộc 16 lĩnh vực: An toàn thực phẩm; Điện; Giám định thương mại; Hoạt động Sở Giao dịch hàng hóa; Hoạt động thương mại điện tử; Kinh doanh dịch vụ; Kinh doanh hóa chất; Kinh doanh rượu; Kinh doanh theo phương thức bán hàng đa cấp; Kinh doanh thuốc lá; Kinh doanh tiền chất thuốc nổ; Kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp; Kinh doanh khí; Kinh doanh xăng dầu; Nhượng quyền thương mại; Kinh doanh tiền chất công nghiệp.
Trong số đó, đáng chú ý là các điều kiện đầu tư, kinh doanh như: Điều kiện để cấp Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp (bỏ quy định người tham gia trực tiếp sản xuất rượu phải đảm bảo sức khoẻ, không mắc bệnh truyền nhiễm…); Điều kiện bắt buộc thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics phải là doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh; Một số điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ (về diện tích nhà xưởng sản xuất, ánh sáng, thông gió…)…
Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.
V. BÃI BỎ LOẠT QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG THÉP
Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư số 18/2017/TT-BCT bãi bỏ một số điều của Thông tư liên tịch 58/2015/TTLT-BCT-BKHCN ngày 31/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Công Thương và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định quản lý chất lượng thép sản xuất trong nước và thép nhập khẩu.
Thông tư này bãi bỏ loạt quy định liên quan đến việc quản lý chất lượng thép đã được quy định tại Thông tư liên tịch 58/2015/TTLT-BCT-BKHCN. Cụ thể, bỏ quy định về quản lý chất lượng thép sản xuất trong nước và quản lý chất lượng thép nhập khẩu; Trình tự, thủ tục xác nhận nhu cầu nhập khẩu thép; Trình tự, thủ tục xác nhận kê khai nhập khẩu thép; Trình tự, thủ tục và nội dung kiểm tra chất lượng thép sản xuất trong nước; Trình tự, thủ tục và nội dung kiểm tra chất lượng thép nhập khẩu; Xử lý đối với lô sản phẩm không phù hợp…
Ngoài ra, Thông tư này cũng bãi bỏ Danh mục các sản phẩm thép phải kê khai nhập khẩu, xác nhận nhu cầu nhập khẩu thép; Bãi bỏ Mẫu Bản kê khai thép nhập khẩu; Mẫu đăng ký kiểm tra chất lượng thép nhập khẩu; Mẫu phiếu tiếp nhận hồ sơ đăng ký kiểm tra chất lượng thép nhập khẩu; Mẫu thông báo kết quả kiểm tra chất lượng thép nhập khẩu; Mẫu Giấy xác nhận số lần kiểm tra liên tiếp…
Thông tư này được ban hành ngày 21/09/2017; có hiệu lực từ ngày 08/11/2017.
VI. KINH DOANH THUỐC LÁ LÀ NGÀNH, NGHỀ CÓ ĐIỀU KIỆN
Tại Nghị định số 106/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá, Chính phủ quy định kinh doanh thuốc lá là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; trong khi trước đây, thuốc lá thuộc nhóm hàng hóa Nhà nước hạn chế kinh doanh.
Nghị định cũng cho phép thương nhân bán lẻ sản phẩm thuốc lá được mua sản phẩm thuốc lá từ thương nhân phân phối sản phẩm thuốc lá hoặc thương nhân bán buôn sản phẩm thuốc lá để bán tại các địa điểm được cấp phép, thay vì chỉ được mua từ các thương nhân bán buôn như quy định cũ.
Với các thương nhân phân phối sản phẩm thuốc lá, sẽ được mua sản phẩm thuốc lá từ các Nhà cung cấp sản phẩm thuốc lá hoặc từ thương nhân phân phối sản phẩm thuốc lá khác để bán cho các thương nhân mua bán sản phẩm thuốc lá hoặc bán tại các điểm bán lẻ của thương nhân trên phạm vi địa bàn được cấp phép.
Ngoài ra, Nghị định còn bãi bỏ một số điều kiện cấp Giấy phép mua bán sản phẩm thuốc lá đã được quy định trước đây. Cụ thể, với Giấy phép phân phối sản phẩm thuốc lá và cấp Giấy phép bán buôn sản phẩm thuốc lá, bỏ yêu cầu về phương tiện vận tải. Với Giấy phép bán lẻ sản phẩm thuốc lá, bỏ yêu cầu diện tích điểm kinh doanh dành cho thuốc lá tối thiểu phải từ 03 m2 trở lên…
Nghị định này được ban hành ngày 14/09/2017; có hiệu lực từ ngày 01/11/2017.
VII. ĐIỀU KIỆN BUÔN BÁN PHÂN BÓN
Nghị định số 108/2017/NĐ-CP về quản lý phân bón đã được Chính phủ ban hành ngày 20/09/2017, trong đó quy định cụ thể về các điều kiện buôn bán phân bón.
Theo đó, để được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón, tổ chức, cá nhân phải đáp ứng 04 điều kiện, gồm: Tổ chức, cá nhân được đăng ký hoặc thành lập theo quy định của pháp luật; Có cửa hàng buôn bán phân bón; cửa hàng phải có biển hiệu, sổ ghi chép, bảng giá bán công khai; Có khu vực chứa phân bón; có kệ hoặc bao lót để xếp đặt hàng; Người trực tiếp bán phân bón phải có Giấy chứng nhận bồi dưỡng chuyên môn về phân bón, trừ trường hợp đã có trình độ trung cấp trở lên một trong các chuyên ngành về lĩnh vực trồng trọt, bảo vệ thực vật, nông hóa thổ nhưỡng, nông học, hóa học, sinh học.
Trường hợp cơ sở buôn bán phân bón không có cửa hàng phải có đăng ký doanh nghiệp; có địa điểm giao dịch cố định, hợp pháp; có sổ ghi chép việc mua, bán phân bón và người trực tiếp bán phân bón cũng phải đáp ứng yêu cầu nêu trên.
Tổ chức, cá nhân đang hoạt động buôn bán phân bón trước ngày 20/09/2017 phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón trong 36 tháng, kể từ ngày 20/09/2017.
Cũng theo Nghị định này, phân bón là sản phẩm, hàng hóa kinh doanh có điều kiện, được Cục Bảo vệ thực vật công nhân lưu hành tại Việt Nam. Mỗi tổ chức, cá nhân chỉ được đứng tên đăng ký công nhận 01 tên phân bón cho mỗi công thức thành phần, hàm lượng dinh dưỡng phân bón đăng ký.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày ký.
Thông tin chi tiết các văn bản, xin vui lòng xem TẠI ĐÂY