Quy định về Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động lần đầu tiên được quy định trong Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được thông qua ngày 27 tháng 11 năm 2015, tại Điều 216. Theo đó, việc không đóng hoặc không đóng đầy đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (sau đây gọi tắt là bảo hiểm) cho người lao động không chỉ là hành vi vi phạm bị xử lý hành chính mà còn có thể là hành vi phạm tội và chịu sự điều chỉnh của pháp luật về Hình sự.
Hình phạt áp dụng cho Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định tại Bộ luật Hình sự hiện hành có thể là hình thức phạt tiền với mức hình phạt từ 50.000.000 đồng lên đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù lên đến 07 năm và phạt tiền lên đến 100.000.000 đồng trong trường hợp người vi phạm là cá nhân. Trong trường hợp chủ thể phạm tội là pháp nhân thương mại thì pháp nhân thương mại phạm tội có thể chịu phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng. Cụ thể, Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động được quy định tại Điều 216 BLHS như sau:
Điều 216 về Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động được quy định với nội dung cụ thể như sau:
1. Người nào có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 06 tháng trở lên thuộc một trong những trường hợp sau đây, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a. Trốn đóng bảo hiểm từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
b. Trốn đóng bảo hiểm cho từ 10 người đến dưới 50 người lao động.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng năm đến 03 năm:
a. Phạm tội 02 lần trở lên;
b. Trốn đóng bảo hiểm từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
c. Trốn đóng bảo hiểm cho từ 50 người đến dưới 200 người;
d. Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản 1 Điều này.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a. Trốn đóng bảo hiểm 1.000.000.000 đồng trở lên;
b. Trốn đóng bảo hiểm cho 200 người trở lên;
c. Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản 2 Điều này.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a. Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng;
b. Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
c. Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng.
Theo tinh thần quy định trên, hành vi không đóng bảo hiểm hoặc đóng không đầy đủ bảo hiểm cho người lao động sẽ cấu thành tội trốn đóng bảo hiểm cho người lao động khi có cấu thành đầy đủ từ các yếu tố sau:
1. Chủ thể thực hiện hành vi phạm tội được quy định là Người nào có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 21([1]) Luật bảo hiểm xã hội 2014 Người sử dụng lao động có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội cho
người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc quy định tại khoản 1 Điều 2([2]) Luật bảo hiểm xã hội. Cũng
theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Luật bảo hiểm y tế, và khoản 1 Điều 44 Luật việc làm 2013, Người sử dụng lao động có nghĩa vụ đóng bảo hiểm ý tế và bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định pháp luật có liên quan. Như vậy, Chủ thể thực hiện hành vi phạm tội quy định tại điều này là người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng bảo hiểm cho người lao động.
Người sử dụng lao động là doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động, Người sử dụng lao động cũng có thể là cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Bộ luật Lao động 2012. Khái niệm về người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm còn được quy định cụ thể hơn tại khoản 3 Điều 2([3]) Luật Bảo hiểm xã hội và khoản 4 Điều 2([4]) Luật bảo hiểm y tế.
Theo quy định của Bộ luật dân sự cũ, thì người sử dụng lao động chịu trách nhiệm hình sự chỉ có thể là cá nhân có hành vi phạm tội. Tuy nhiên, theo quy định mới tại chương XI Bộ luật Hình sự hiện hành thì chủ thể chịu trách nhiệm hình sự là người sử dụng lao động đối với tội này không loại trừ tổ chức là pháp nhân thương mại. Tuy nhiên, do bản chất của pháp nhân thương mại là một thực thể vô hình nên sẽ không thể chịu hình thức phạt tù mà chịu các hình phạt khác. Như vậy, theo quy định tại khoản 1 Điều 75 và khoản 1 Điều 76 Bộ luật Hình sự hiện hành, pháp nhân thương mại sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự cho hành vi phạm tội khi hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại, vì lợi ích của pháp nhân thương mại và hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại.
Bên cạnh đó, việc pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân([5]) trong trường hợp hành vi phạm tội nhân danh pháp nhân và vì lợi ích của pháp nhân thì những người trong doanh nghiệp có hành vi cấu thành tội phạm cũng đồng thời liên đới chịu trách nhiệm hình sự cho hành vi phạm tội của mình.
Như vậy, chủ thể phạm tội theo quy định tại Điều 216 có thể hiểu là các cá nhân có hành vi phạm tội, đồng thời nếu các cá nhân có hành vi phạm tội thực hiện hành vi phạm tội nhân danh pháp nhân thương mại và vì lợi ích của pháp nhân này thì pháp nhân thương mại có thể sẽ đồng thời chịu trách nhiệm hình sự.
2. Việc không đóng hoặc không đóng đầy đủ được thực hiện bằng hành vi gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác. Theo quy định trên thì người không đóng hoặc đóng không đầy đủ chỉ có hành vi cấu thành tội phạm khi người này bằng các hành vi gian dối hoặc thủ đoạn khác để trốn đóng bảo hiểm. Như vậy, đối với những hành vi không đóng bảo hiểm nhưng có lý do chính đáng, không phải do gian dối hoặc thủ đoạn khác thì cũng không phải là yếu tố cấu thành nên tội phạm theo quy định tại Điều 216 Bộ luật Hình sự hiện hành.
3. Số tiền trốn đóng hoặc đóng không đầy đủ là số tiền bảo hiểm phải đóng cho người lao động theo quy định pháp luật từ 06 tháng trở lên với số tiền trốn đóng bảo hiểm từ 50.000.000 đồng hoặc trốn đóng bảo hiểm cho từ 10 người. Không trong mọi trường hợp trốn đóng bảo hiểm đều bị xem xét trách nhiệm hình sự, mà chỉ trong trường hợp người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm cho người lao động trong thời hạn từ 06 tháng trở lên với số tiền phải đóng là từ 50.000.000 đồng hoặc không đóng tiền bảo hiểm cho từ 10 người trở lên trong thời hạn 06 tháng.
4. Điều kiện cuối cùng là hành vi vi phạm đã bị xử lý vi phạm hành chính nhưng người sử dụng lao động vẫn tiếp tục có hành vi vi phạm tương tự. Như vậy, hành vi trốn đóng bảo hiểm hoặc đóng không đầy đủ sẽ không cấu thành tội phạm ngay cả khi đáp ứng đủ các điều kiện trên nhưng là hành vi vi phạm lần đầu và chưa bị xử phạt hành chính.
Từ các phân tích trên, người có các hành vi cấu thành Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động chỉ phạm tội theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành khi hành vi vi phạm có đầy đủ các yếu tố phân tích trên. Trong trường hợp có hành vi không đóng bảo hiểm cho người lao động nhưng thiếu một trong các yếu tố trên thì hành vi vi phạm sẽ chưa có căn cứ để xử phạt hình sự mà có thể là đối tượng xử phạt hành chính.
Như vậy, đối với các doanh nghiệp hiện nay vẫn chưa đóng bảo hiểm đầy đủ và kịp thời cho người lao động thì không nên có các hành vi gian dối để tránh đóng bảo hiểm. Đối với những tổ chức đã từng bị phạt hành vi về hành vi không đóng bảo hiểm thì nên lưu ý việc đóng bảo hiểm để không thực hiện các hành vi cấu thành tội hình sự.
[1] Điều 21. Trách nhiệm của người sử dụng lao động
1. Lập hồ sơ để người lao động được cấp sổ bảo hiểm xã hội, đóng, hưởng bảo hiểm xã hội.
2. Đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điều 86 và hằng tháng trích từ tiền lương của người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 85 của Luật này để đóng cùng một lúc vào quỹ bảo hiểm xã hội.
[2] Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:
a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;
c) Cán bộ, công chức, viên chức;
d) Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;
đ) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;
e) Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí;
g) Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
h) Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương;
i) Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.
[3] Khoản 3 Điều 2 Luật BHXH: Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.
[4] Khoản 4 Điều 2 Luật BHYT: Người sử dụng lao động bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể và tổ chức khác; tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam có trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế.
[5] Khoản 2 Điều 75 Bộ luật Hình sự 2015
Văn phòng Hội Doanh Nhân Trẻ TP.HCM
Địa chỉ: 04 Alexandre De Rhodes, phường Bến Nghé, Quận 1, Tp.HCM
ĐT: (08) 3827 3137 – Email: info@ybahcm.com.vn