Ngày 30/9/2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư 11/2022/TT-NHNN (“Thông tư 11”) quy định về bảo lãnh ngân hàng với nhiều điểm mới ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của các doanh nghiệp:
1.1 Bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai
Theo Thông tư 11, Hợp đồng bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai là thỏa thuận cấp bảo lãnh giữa ngân hàng thương mại với chủ đầu tư và các bên liên quan khác (nếu có) về việc ngân hàng thương mại chấp thuận bảo lãnh cho chủ đầu tư trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai.
Theo đó, Hợp đồng bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai sẽ có hiệu lực kể từ thời điểm ký cho đến khi nghĩa vụ bảo lãnh của toàn bộ các thư bảo lãnh cho bên mua hết hiệu lực theo quy định tại Điều 23 (chấm dứt nghĩa vụ bảo lãnh) của Thông tư 11 và mọi nghĩa vụ của chủ đầu tư đối với ngân hàng thương mại theo hợp đồng bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai đã hoàn thành.
1.2 Thời hạn hiệu lực của thư bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai
Theo khoản 14 Điều 3 và khoản 6 Điều 13 của Thông tư 11, theo nguyên tắc chung, việc bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai chỉ được phát hành theo hình thức thư bảo lãnh, thư bảo lãnh sẽ có hiệu lực kể từ thời điểm phát hành cho đến thời điểm ít nhất sau 30 ngày kể từ thời hạn giao, nhận nhà theo cam kết tại hợp đồng mua, thuê mua nhà ở.
Trường hợp ngân hàng thương mại và chủ đầu tư chấm dứt Hợp đồng bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai trước thời hạn, các thư bảo lãnh đã phát hành cho các bên mua trước đó vẫn có hiệu lực cho đến khi nghĩa vụ bảo lãnh chấm dứt.
1.3 Các yêu cầu bắt buộc trong Hợp đồng bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai
Ngoài các nội dung thỏa thuận cấp bảo lãnh theo quy định trước đây (trừ nội dung về phí bảo lãnh và giải quyết tranh chấp phát sinh trong trường hợp bảo lãnh trên cơ sở bảo lãnh đối ứng), khoản 5 Điều 13 của Thông tư 11 còn bổ sung thêm 4 nội dung cần phải có trong Hợp đồng bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai là:
(i) Ngân hàng thương mại có nghĩa vụ phát hành thư bảo lãnh cho bên mua khi nhận được hợp đồng mua, thuê mua nhà ở do chủ đầu tư gửi đến trước thời hạn giao, nhận nhà theo cam kết quy định tại hợp đồng mua, thuê mua nhà ở.
(ii) Ngân hàng thương mại và chủ đầu tư thỏa thuận cụ thể về việc ngân hàng thương mại hoặc chủ đầu tư có nghĩa vụ gửi thư bảo lãnh cho bên mua sau khi ngân hàng thương mại phát hành thư bảo lãnh.
(iii) Nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư.
(iv) Hồ sơ bên mua gửi cho ngân hàng thương mại yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh phải kèm theo thư bảo lãnh do ngân hàng thương mại phát hành cho bên mua.
1.4 Mức bảo lãnh tối đa đối với bảo lãnh điện tử
Theo Điều 9 của Thông tư 11, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (Ngân hàng) và khách hàng được lựa chọn thực hiện hoạt động bảo lãnh ngân hàng qua việc sử dụng các phương tiện điện tử (hoạt động bảo lãnh điện tử). Theo đó, giá trị của mỗi cam kết bảo lãnh điện tử phát hành cho khách hàng cá nhân không quá 4 tỷ đồng và cho khách hàng tổ chức không quá 45 tỷ đồng, trừ các trường hợp sau:
– Thông tin nhận biết khách hàng được xác thực bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc được xác thực điện tử thông qua tổ chức cung cấp dịch vụ xác thực điện tử theo quy định của pháp luật về định danh và xác thực điện tử.
– Khách hàng gửi đề nghị cấp bảo lãnh bằng điện xác thực thông qua hệ thống SWIFT.
– Thông tin khách hàng và nghĩa vụ được bảo lãnh được đối chiếu khớp đúng thông qua Cổng thanh toán điện tử hải quan hoặc hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
– Khách hàng sử dụng chữ ký số theo quy định của pháp luật khi đề nghị cấp bảo lãnh hoặc ký thỏa thuận cấp bảo lãnh với Ngân hàng.
– Khách hàng là Ngân hàng.
1.5 Ba trường hợp doanh nghiệp không được bảo lãnh ngân hàng
Theo khoản 2 Điều 11 của Thông tư 11, Ngân hàng không được bảo lãnh cho nghĩa vụ thanh toán trái phiếu của các doanh nghiệp phát hành với mục đích:
(i) Cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành.
(ii) Góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác.
(iii) Tăng quy mô vốn hoạt động.
1.6 Văn bản bảo lãnh bằng tiếng nước ngoài
Điều 7 của Thông tư 11 quy đinh các thỏa thuận cấp bảo lãnh, cam kết bảo lãnh phải được lập bằng tiếng Việt, trừ 3 trường hợp sau, Ngân hàng được thỏa thuận với các bên liên quan sử dụng tiếng nước ngoài:
(i) Giao dịch bảo lãnh thuộc các trường hợp quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài theo quy định tại Bộ luật Dân sự.
(ii) Nghĩa vụ được bảo lãnh phát sinh khi thực hiện các dự án được tài trợ vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế. Danh sách tổ chức tài chính quốc tế được quy định tại quy định của Ngân hàng Nhà nước về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
(iii) Nghĩa vụ được bảo lãnh phát sinh khi tham gia gói thầu quốc tế.
Tuy nhiên, khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, các văn bản hoặc thông điệp dữ liệu bằng tiếng nước ngoài phải được dịch sang tiếng Việt có xác nhận của người đại diện hợp pháp của Ngân hàng hoặc phải được công chứng hoặc chứng thực đính kèm bản tiếng nước ngoài. Thông tư 11 sẽ có hiệu lực từ 01/4/2023 và thay thế Thông tư 07/2015/TT-NHNN, Thông tư 13/2017/TT-NHNN.