Quản Trị Nhân Tài – Một Cách Tiếp Cận Mới Cho Doanh Nghiệp Hiện Đại

Ngày 28/9/2024, tại Capella Gallery Hall, Chi hội Chợ Lớn trực thuộc Hội Doanh Nhân Trẻ TP.HCM đã tổ chức thành công sự kiện “Quản Trị Nhân Tài Trong Doanh Nghiệp với sự tham gia của đông đảo các nhà quản lý và doanh nhân.
Sự kiện có sự tham gia của anh anh Lê Trí Thông, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Thành phố Hồ Chí Minh, diễn giả chính và anh Võ Đại Khôi – trong vai trò điều phối. Nội dung sự kiện đã mở ra một góc nhìn mới mẻ và sâu sắc về cách quản lý nhân tài trong doanh nghiệp (DN) hiện đại, không chỉ dừng lại ở việc tìm kiếm và phát triển mà còn chú trọng vào sự cống hiến bền vững và công bằng.

Anh Lê Trí Thông, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Thành phố Hồ Chí Minh, diễn giả chính chương trình và anh Võ Đại Khôi, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Thành phố Hồ Chí Minh– trong vai trò điều phối.
  1. Nhân tài là ai?
    Theo truyền thống, nhân tài là những người “Văn Võ Song Toàn”, sở hữu không chỉ kiến thức, tài năng mà còn có phẩm chất đạo đức cao quý như “Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, Trung”. Trong môi trường doanh nghiệp, nhân tài không chỉ là người có năng lực chuyên môn mà còn có phẩm chất phù hợp với văn hóa và sứ mệnh của tổ chức.
  2. Nhân tài tồn tại ở khắp nơi
    Mỗi người trong tổ chức đều có thể trở thành nhân tài theo một góc độ tương đối. Một doanh nghiệp cần công nhận và tận dụng sự đóng góp của mỗi cá nhân, từ đó xây dựng một môi trường phát triển toàn diện.
  3. Không yêu cầu “cống hiến” mà thay bằng “đóng góp”
    Không đặt áp lực cho nhân viên phải “cống hiến” – một khái niệm thường mang tính ép buộc và hy sinh – mà thay vào đó là “đóng góp”. Đóng góp tạo ra giá trị chung, khuyến khích nhân viên tự nguyện tham gia vào sự phát triển của doanh nghiệp và mang lại cảm giác thoải mái, tự hào.
  4. Nhân tài có “hạn sử dụng”
    Không có nhân tài nào là mãi mãi. Khi đã qua giai đoạn đỉnh cao, họ cần được ghi nhận và tri ân thông qua các hình thức như tài chính hoặc sự công nhận chính thức. Đây không chỉ là cách giữ gìn mối quan hệ với nhân tài mà còn thể hiện sự tôn trọng và ghi nhớ công lao của họ.
  5. Cơ chế đặc khu nhưng không phải biệt khu
    Nhân tài có thể được ưu đãi và có cơ chế làm việc đặc thù – “đặc khu” – nhưng không có nghĩa là biệt lập hoàn toàn với tổ chức. Điều này nhằm giữ cho nhân tài gắn bó và đồng hành với mục tiêu chung của doanh nghiệp.
  6. Nhân tài từ bên ngoài và bên trong: Doanh nghiệp cần linh hoạt trong việc tìm kiếm nhân tài từ cả bên ngoài và đào tạo từ bên trong. Tùy vào từng giai đoạn và mục tiêu phát triển, một số nhân tài có thể đến từ các nguồn lực bên ngoài, mang lại luồng gió mới và kinh nghiệm phong phú. Đồng thời, đào tạo nhân tài từ bên trong giúp duy trì và phát triển nguồn lực bền vững.
  7. Tự nhìn lại mình – phẩm chất cần có của nhân tài
    Một phẩm chất không thể thiếu của nhân tài là khả năng tự đánh giá và nhìn lại chính mình. Việc này giúp họ luôn cải thiện, duy trì sự nhạy bén và thích nghi với thay đổi, từ đó đóng góp hiệu quả vào sự phát triển của doanh nghiệp.
  8. Tái cấu trúc doanh nghiệp – Mổ hở hay mổ nội soi?
    Khi tái cấu trúc, doanh nghiệp có hai lựa chọn: mổ hở hay mổ nội soi. Chỉ những doanh nghiệp có nền tảng vững chắc mới có thể chọn “mổ hở” – quá trình thay đổi mạnh mẽ, rõ ràng và toàn diện. Trong khi đó, mổ nội soi – cách tiếp cận nhẹ nhàng hơn, ít tác động mạnh – thường phù hợp hơn với các doanh nghiệp Việt Nam do đặc thù thị trường và quy mô.
  9. Doanh nghiệp nhỏ vẫn có thể cạnh tranh nhân tài với doanh nghiệp lớn
    Doanh nghiệp nhỏ không nhất thiết phải thua thiệt trong cuộc đua nhân tài với các tập đoàn lớn. Bằng việc tận dụng các công nghệ tiên tiến, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), doanh nghiệp nhỏ có thể tạo ra môi trường làm việc hấp dẫn và cơ hội phát triển không kém gì doanh nghiệp lớn.
  10. Cảnh giác với hiện tượng “đồng huyết”
    Chỉ sử dụng nhân tài nội bộ có thể dẫn đến hiện tượng “đồng huyết”, tức là thiếu sự đa dạng trong quan điểm và kinh nghiệm. Điều này đặc biệt nguy hiểm đối với những doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực đổi mới, sáng tạo. Để tránh điều này, cần kết hợp nhân tài từ nhiều nguồn khác nhau để đảm bảo sự đa dạng và sáng tạo trong chiến lược phát triển.
    “Quản Trị Nhân Tài” không chỉ là một khái niệm mang tính chiến lược mà còn là yếu tố quyết định sự bền vững và phát triển của doanh nghiệp. Việc hiểu đúng về nhân tài, tôn trọng sự đóng góp của họ và có chiến lược sử dụng nhân tài phù hợp sẽ giúp doanh nghiệp không chỉ tồn tại mà còn phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *