Quy định mới tăng mạnh mức phạt tiền vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản

Ngày 28/01/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 16/2022/NĐ-CP (“Nghị định 16/2022”) về xử lý vi phạm hành chính về xây dựng. Nghị định 16/2022 sẽ có hiệu lực ngay lập tức từ ngày ký banh hành, tức ngày 28/01/2022 thay thế cho Nghị định 139/2017/NĐ-CP và Nghị định 21/2020/NĐ-CP.

So với Nghị định 139/2017/NĐ-CP, Nghị định 16/2022 được ban hành theo hướng tăng mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm, đặc biệt là tăng mạnh mức phạt tiền trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, cụ thể như sau:

  1. Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính 
  • Đối với hoạt động xây dựng, kinh doanh bất động sản là 1 tỷ đồng. 
  • Đối với hoạt động sản xuất vật liệu xây dựng, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật, quản lý, phát triển nhà là 300 triệu đồng.

Mức phạt này áp dụng với tổ chức, đối với cá nhân có hành vi vi phạm thì mức phạt tiền bằng ½ số tiền nêu trên.

  1. Bổ sung một số hành vi vi phạm quy định về trật tự xây dựng

So với Nghị định 139/2017/NĐ-CP, Nghị định 16/2022 đã bổ sung một số quy định mới về các hành vi vi phạm trật tự xây dựng với mức phạt tiền như sau:

  • Hành vi không công khai giấy phép xây dựng tại địa điểm thi công xây dựng trong suốt quá trình thi công có mức phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 30 triệu đồng.
  • Hành vi không thực hiện thủ tục để điều chỉnh, gia hạn giấy phép xây dựng có mức phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 80 triệu đồng.

Tuy nhiên, trường hợp xây dựng không đúng giấy phép xây dựng được cấp nhưng không thuộc trường hợp phải điều chỉnh giấy phép xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng thì không bị coi là hành vi xây dựng sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp.

  1. Tăng mạnh mức phạt tiền vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản 

Nghị định 16/2022 tăng mạnh mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản (từ Điều 58 đến Điều 62) lên đến 1 tỷ đồng (mức phạt tiền trước đây tối đa là 300 triệu đồng), đơn cử như: 

  • Chủ đầu tư dự án kinh doanh bất động sản có hành vi huy động vốn không đúng quy định; Sử dụng vốn huy động của tổ chức, cá nhân hoặc tiền ứng trước của bên mua, bên thuê, bên thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai không đúng mục đích cam kết; Chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án không đúng thủ tục quy định hoặc không đảm bảo đầy đủ các yêu cầu hoặc các điều kiện theo quy định, … sẽ bị phạt tiền từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng (mức phạt cũ từ 270 triệu đồng đến 300 triệu đồng).
  • Hành vi không cung cấp, cung cấp không đầy đủ hoặc cung cấp không trung thực hồ sơ, thông tin về bất động sản mà mình môi giới sẽ bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 250 triệu đồng (mức phạt cũ từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng).
  • Kinh doanh dịch vụ bất động sản mà không thành lập doanh nghiệp theo quy định hoặc không đủ số người có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản theo quy định hoặc chứng chỉ hành nghề hết thời hạn sử dụng theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 120 triệu đồng đến 160 triệu đồng, ngoài ra hành vị này còn bị xử phạt bổ sung là bị đình chỉ hoạt động kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch bất động sản từ 6 tháng đến 9 tháng (mức phạt cũ từ 30 triệu đồng đến  40 triệu đồng)
  • Ngoài ra, Nghị định 16/2022 còn bổ sung quy định về hành vi cho mượn, cho thuê hoặc thuê, mượn chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản để thực hiện các hoạt động liên quan đến môi giới bất động sản; hoặc tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản đồng thời vừa là nhà môi giới vừa là một bên thực hiện hợp đồng trong một giao dịch kinh doanh bất động sản sẽ bị phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 60 triệu đồng.
  1. Mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định về quản lý sử dụng nhà chung cư của chủ đầu tư

Điều 67 của Nghị định 16/2022 quy định cụ thể mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm của chủ đầu tư về quản lý sử dụng nhà chung cư, đơn cử như:

  • Hành vi kinh doanh vũ trường; Không mở tài khoản hoặc mở tài khoản kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư không đúng quy định, … có mức phạt tiền 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng.
  • Tính toán sai kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư so với quy định; Không ghi trong hợp đồng thông tin về tài khoản kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư theo quy định trong hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở hoặc phần diện tích khác của nhà chung cư; Không gửi hoặc chậm gửi kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư dưới hình thức có kỳ hạn tại tổ chức tín dụng đang hoạt động trên địa bàn nơi có nhà ở mua bán, thuê mua,… có mức phạt tiền từ 160 triệu đồng đến 200 triệu đồng.
  • Không bố trí diện tích để làm nhà sinh hoạt cộng đồng theo theo tiêu chuẩn, quy chuẩn quy định; Không tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu theo quy định, … sẽ bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 260 triệu đồng (mức phạt cũ từ 100 triệu đồng đến 150 triệu đồng).

Nguồn: GV Lawyers

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *